Trong đợt tăng giá lần này, giá dầu tăng mạnh đã ảnh hưởng đến ngư dân, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa. Lâu nay, sử dụng dầu làm nhiên liệu được xem là kinh tế hơn sử dụng xăng vì dầu được Nhà nước bù lỗ. Doanh nghiệp khó đến mức nào?
Đối với ngư dân, giá dầu tăng là tin không vui
* Ông Phạm Chí Cường (chủ tịch Hiệp hội Thép VN - VSA):
Thêm đà tăng cho giá thép
Theo tính toán, nếu dầu mazut tăng 1.000 đồng/kg thì thép "đội" lên thêm 40.000 đồng/tấn. Tổng lượng thép sản xuất đưa ra thị trường ước lên đến 4 triệu tấn, vị chi chỉ nội chi phí nhiên liệu tăng, ngành thép đã phải bù thêm 160 tỉ đồng/năm. Hiện giá thép lưu thông ngoài thị trường giữ mức trên 16 triệu đồng/tấn là quá "mỏi mệt" với người tiêu dùng.
* Ông Trần Nam Phong (Công ty CP đầu tư phát triển quốc tế Thắng Lợi):
Chi thêm 600 đồng cho mỗi mét vải
Giá dầu tăng thêm 3.700 đồng/lít, chúng tôi phải bù 370 triệu đồng cho chi phí nhiên liệu để sản xuất. Mỗi mét vải thành phẩm từ 2.400 đồng "đội" lên thành 3.000 đồng. Nay phải bù thêm 600 đồng/m vải, trong khi giá bán không tăng được thì làm sao cạnh tranh nổi?
* Ông Trần Hoa (chủ tàu cá, Bà Rịa - Vũng Tàu):
Ngư dân "ăn" dần vào tàu cá
Với mức giá dầu này có lẽ nhiều ngư dân sẽ "ăn" dần vào tàu cá, bán dần tàu cá để trả nợ. Hiện số lượng dầu mỗi chuyến đi biển thấp nhất cũng lên tới 30.000 lít. Tính ra chỉ riêng khoản tổn phí tăng thêm (3.700 đồng/lít dầu) cũng đã lên tới gần 120 triệu đồng. Ngày 24-2, tôi liên hệ lấy dầu chuẩn bị cho chuyến đi biển đầu tiên của ba tàu cá xa bờ, chưa kịp nhận thì hôm nay giá dầu tăng, chậm chút xíu mà đến... 180 triệu đồng tiền dầu. Chưa ra biển đã thấy lỗ. Nghe nói Nhà nước đã có phương án hỗ trợ ngư dân; nhưng giá dầu tăng thì ngay lập tức, còn chính sách hỗ trợ phải chờ, có khi nó được triển khai thì nhiều ngư dân đã phải bán tàu rồi.
Nhà xe, nhà thầu đều "lao đao"
* Nhiều nhà xe đã tăng giá cước
TT - Ông Nguyễn Minh Thu - chủ xe đò ở Hợp tác xã vận tải hành khách Trung Nam - cho biết với giá dầu tăng, một chuyến xe từ TP.HCM đi Hà Nội tăng thêm 3,5-5 triệu đồng (tùy theo đời xe mới hoặc cũ tiêu thụ nhiều nhiên liệu).
Như vậy, giá vé hiện nay Sài Gòn - Hà Nội là 300.000 đồng/người thì chủ xe cầm chắc lỗ. Nhà xe đang lao đao vì để xe ở nhà lấy đâu tiền trả lãi vay ngân hàng, mà chạy xe với giá vé trên thì không có lãi. Do đó, sắp tới giá vé xe đò Sài Gòn - Hà Nội cần phải điều chỉnh lên 360.000-400.000 đồng là phù hợp.
Ngay khi giá xăng dầu tăng ngày 25-2, Công ty Phương Thảo đã bàn với một số doanh nghiệp vận tải lớn về việc điều chỉnh giá vé cho phù hợp. Ông Nguyễn Hữu Mãng - giám đốc Công ty Phương Thảo - cho biết hiện giá vé từ TP.HCM đi Cần Thơ 69.000 đồng, đi Cà Mau 129.000 đồng là giá vé lúc giá dầu hồi đầu năm 2007. Nay sau hai đợt giá dầu điều chỉnh lên 13.900 đồng/lít, tức tăng 5.000 đồng/lít, nếu không điều chỉnh giá vé thì chủ xe và doanh nghiệp cầm chắc lỗ. Trong những ngày tới các doanh nghiệp sẽ quyết định điều chỉnh giá vé.
Một số doanh nghiệp cũng đã tự thỏa thuận với chủ hàng điều chỉnh giá vận chuyển hàng hóa cho phù hợp. Xe tải 10 tấn chở hàng hóa đi cự ly 100km giá từ 1,5 triệu đồng/tấn nay sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tấn. Đối với khách hàng truyền thống - đã ký kết hợp đồng vận chuyển, các doanh nghiệp sẽ thương lượng lại giá cước vận chuyển.
Theo ông Ngô Quang Vinh - giám đốc dự án cầu Thủ Thiêm - Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng), đợt tăng giá này quá cao khiến các nhà thầu xây dựng đều gặp khó khăn. Bởi từ khi khởi công dự án cầu Thủ Thiêm đến khi hoàn thành giai đoạn 1 - thông xe cầu, giá vật tư tăng hơn 52 tỉ đồng mà đến nay vẫn chưa được bù trượt giá. Giá xăng dầu tăng đột biến sẽ ảnh hưởng nhất định đến tiến độ công trình.