Cách đây độ mươi năm, khi thú chơi đào thế chưa rầm rộ như hiện nay, người trồng đào vẫn làm cái việc muôn năm cũ là chờ ra giêng lại kẽo kịt đạp xe đi gom từng gốc đào bị bỏ ra đường, về chăm bón lại từ đầu. Còn nay thì đã khác…
“Đào tôi cho thuê nay mang về”
Trên mảnh vườn bé toen hoẻn xen lẫn giữa những nấm mộ, ông già Kim luôn tay tất bật đào gốc, cắt dây hơn 20 gốc đào vừa được chuyển xuống từ ô tô.
Chỉ tay về hướng một gốc đào thế sần sùi chỉ còn trơ lại những cành khô khốc, ngắn ngủn ông Kim nói: “Gốc đào này tôi mang về vườn từ cách đây 5 hôm. Nguyên cái gốc này cả gia đình tôi đã phải bỏ công mất hơn 10 năm chăm bón, vun xới, uốn thế. Trong Tết nó được trả giá hơn chục triệu nhưng tiếc công chẳng dám bán, chỉ cho thuê với giá 6 triệu. Gốc đào thì to, chẳng chậu nào đủ khí để nuôi cây. Cũng may người ta tử tế mới mùng 10 đã gọi điện đến đón đào, chứ cứ để tù túng trong nhà đến qua rằm chắc phải thúc cho cây hết tết năm sau mới được như ý”.
Không phải chủ vườn nào cũng may mắn gặp được một khách thuê như ông Kim. Chị Hương, chủ một vườn đào gần 40 gốc “thế cao tuổi” khu vực đối diện trụ sở UBND quận Tây Hồ cho biết: “Đến hết ngày rằm tháng Giêng là lịch trả đào nhưng phải đến sáng nay, hầu hết số đào thế mới được chuyển ra vì nhiều khách thuê vẫn còn luyến tiếc chút sắc xuân trong nhà. Nhiều người, chúng tôi phải gọi điện giục như giục đò để hẹn ngày lấy đào. Hệ quả là có những gốc đào khi mang về đã héo hơ héo hắt, phải mất rất nhiều công sức mới hồi lại được phần nào”.
Ông Kim tự tay đánh những gốc đào (Ảnh: Phúc Hưng)
Tuy nhiên, công sức hồi phục đào rõ ràng không thể sánh bằng việc gây dựng một gốc đào mới ưng ý. Đây là lý do giải thích tại sao ngày càng có nhiều chủ vườn đào để tâm đến việc cho thuê đào hơn là bứng từng gốc đào mang đi bán.
Sử nghề “cho thuê đào”
Tiếp xúc với chúng tôi, rất nhiều nghệ nhân trồng đào khẳng định: trồng đào thế công phu và khó khăn hơn gấp nghìn lần so với một gốc đào thường. Ngay từ khâu ươm cây giống cũng như nuôi dạy một con người, phải uốn nắn từ lúc mầm mới nhú. Tùy cách cây đào tách hạt nhú mầm vươn lên người trồng đào lựa chọn một thế phù hợp như là người ta vẫn đặt tên cho con trong khai sinh. Với những thế cần có ngọn mọc thẳng như ngũ phúc, tam đa, tứ quí... thì trong quá trình chăm bón ngọn nào ngọn ấy phải nắn thật thẳng. Với những thế như mẫu tử, nhị long, thất hiền, thác đổ, bạt phong... thì đòi hỏi phải gò uốn rất cầu kỳ sao cho thật tự nhiên. Vì thế, tố chất cần có nhất của một người trồng đào vẫn là cần mẫn và phải có một tình yêu không gì lay chuyển nổi với sắc hoa đào.
Cách đây độ mươi năm, khi xu hướng chơi đào thế còn chưa rầm rộ như hiện nay, người nông dân trồng đào vẫn làm cái việc muôn năm cũ là đợi qua rằm tháng giêng lại kẽo kịt đánh xe đạp đến từng nhà dân trong phố, thu gom từng gốc đào cũ về chăm bón lại từ đầu. Cũng là điều cực chẳng đã bởi nếu đào thế mà không được chăm bón đúng cách sẽ bị chột, phải vài ba năm sau cây mới hồi trở lại. Nhưng người nông dân vẫn làm bởi họ chẳng nỡ trông thấy cảnh cây đào thế bỏ bao công sức tạo nên dáng hình thành những cành củi mục.
Nhưng nay thì đã khác. Ông Nguyễn Kiên Cường chủ một vườn đào hơn 40 gốc, phần nhiều là đào thế cao tuổi tại làng La Cả (Hà Tây) cho biết: Chúng tôi đưa đào ra bán, nhưng vừa bán vừa gợi ý cho thuê với những gốc đào cao tuổi, dáng đẹp. Thuận mua vừa bán và chính tay chúng tôi bứng lên từng gốc chở đến tận nhà người mua. Hết Tết, lại đánh xe đến đón về những gốc đào thuê hay tìm cách gom lại những gốc đào đã mua đứt bán đoạn”.
Chị Hương, chủ vườn đào tại Phú Thượng ngậm ngùi nói khi chúng tôi cất bước rời làng đào Nhật Tân: “Nhìn sang dân trồng quất ở Quảng An, Tứ Liên mà nhiều khi chạnh lòng. Trồng quất dẫu vất vả nhưng được cái cây quất mùa nào ăn mùa đấy. Hiếm khi thấy người ta hỏi thuê quất bao giờ kể cả những cây quất đại, quất to vẫn bày ở tiền sảnh khách sạn hay những dinh thự lớn. Chơi đến hết tháng Giêng người trồng quất mới bắt đầu thủng thỉnh sang Văn Giang chọn cây giống hay đi thu mua lại những cây quất thế tại các nhà trên phố với cái giá rẻ như cho không. Cũng chẳng vất vả như chúng tôi”.