Các doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Trong ảnh: phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Thị Kim Liên trả lời câu hỏi của các đại biểu
Lạm phát, chứng khoán sụt giảm, chính sách tiền tệ thay đổi... có ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài? Vấn đề này đã được các tổng giám đốc của hơn 80 công ty châu Âu thảo luận tại diễn đàn các nhà lãnh đạo do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại VN tổ chức ngày 20-3.
Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng họ có gặp khó khăn do lạm phát cao nhưng điều đó không ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN, nhất là những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
Chi phí đầu tư tăng 20%
Ông Jagdeesh M.Mehta, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Essar Vietnam, làm nóng diễn đàn bằng câu chuyện của mình: "Lạm phát quá cao, chi phí cho đầu tư đã tăng trên 20%. Nguồn lao động có tay nghề cao ở trong nước thiếu, trong khi chúng tôi không thuê được lao động nước ngoài vì những qui định bất hợp lý hiện nay. Dự án đầu tư của chúng tôi tại VN gần như đình trệ, đến nay chỉ mới triển khai được 3%".
Câu chuyện của Essar Vietnam cũng được các nhà đầu tư khác chia sẻ. Luật sư Fred Burke thuộc Công ty luật Baker & McKenzie cho biết nhiều khách hàng của ông là những công ty xây dựng nước ngoài đang phải tạm hoãn thi công các công trình lớn vì giá cả tăng cao. Theo ông Fred Burke, việc giá đất tăng cao khiến một số nhà đầu tư lưỡng lự.
Hết lợi thế cạnh tranh về nhân lực
Nguồn nhân công trẻ và rẻ ở VN đang mất dần lợi thế cạnh tranh vì mặt bằng lương công nhân thời gian qua đã tăng lên, trong khi đó lực lượng lao động ở cấp độ quản lý trung gian lại vừa thiếu vừa yếu về kỹ năng.
Các diễn giả đã dành khá nhiều thời gian để mổ xẻ câu chuyện này và đưa ra nhiều đề xuất để các cấp lãnh đạo VN có hướng đào tạo lâu dài nhằm cạnh tranh với các nước khác. Ông Mark Van Den Assem, thành viên EuroCham, cho rằng ở VN rất khó đưa một nhân viên trẻ lên làm lãnh đạo vì họ không tự tin, đùn đẩy cho người lớn tuổi hơn, còn những người xung quanh thì hay nhìn ngó, tỏ vẻ không tin những người trẻ lãnh đạo.
Tuy cho rằng lực lượng lao động VN khó có thể trở thành người lãnh đạo trong một nhóm làm việc, nhưng ông Chen Chi Young, trưởng Văn phòng kinh tế - văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, thừa nhận VN vẫn là nước có lực lượng lao động có chất lượng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ông Walter Blocker, phó chủ tịch Hội đồng các phòng thương mại Mỹ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đề nghị VN nên tổ chức vườn ươm tài năng để nhân rộng lực lượng lao động chất lượng cao vì ông lo ngại VN khó cạnh tranh được với thị trường lao động Trung Quốc, Ấn Độ. Các nhà đầu tư thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của nguồn nhân công lao động VN nhưng cũng thừa nhận khó mà tìm được nơi nào trên thế giới có lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi như ở VN.
Vẫn lạc quan
Ông Phan Hữu Thắng - cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - khẳng định: "Cho tới thời điểm này chưa có dấu hiệu nào cho thấy các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN bị chững lại. Rất nhiều tập đoàn lớn có kế hoạch làm ăn lâu dài ở VN trong thời gian tới. Hàng chục tỉ USD đang chờ vào VN".
Ông Alain Cany, chủ tịch EuroCham, cho rằng: "Tình hình VN hiện nay có ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài nhưng đó chỉ là tạm thời. Tình hình này không làm dừng chân các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn đến VN trong những năm tới vì VN vẫn còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. VN đang là một trong sáu nước hấp dẫn đầu tư nhất hiện nay. Đó là ý kiến của hầu hết thành viên EuroCham".