14g chiều nay 2-3-2008, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2008 diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (14 đường 3-2, quận 10, TP.HCM) do Bộ GD-ĐT và Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức tiếp tục diễn ra với chủ đề tư vấn “Ngành nào hấp dẫn nhất?”.
Buổi tư vấn chiều nay Đài Truyền hình TP.HCM sẽ truyền hình trực tiếp chương trình tư vấn từ lúc 14g - 15g30 trên kênh HTV9. Ngoài ra, Tuổi Trẻ Online cũng truyền hình trực tiếp trên hệ thống truyền hình trực tuyến của báo Tuổi Trẻ Online
Đúng 14g, ngày hội tư vấn tuyển sinh tại hội trường chính với chủ đề “Ngành nào hấp dẫn nhất?” đã khai mạc. Ban tư vấn gồm có PGS-TS Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT), TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, TS Lê Thị Thanh Mai - phó ban đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, TS Lâm Mai Long - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM,
TS Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, TS Phạm Hữu Lộc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ThS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, TS Phạm Tấn Hạ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM); TS Huỳnh Văn Hóa - phó trưởng phòng đào tạo ĐH Y dược TP.HCM; ThS Lê Tấn Phát - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.
Theo PGS-TS Ngô Kim Khôi, kỳ thi ĐH-CĐ năm 2008 là năm thứ bảy thi theo phương pháp “ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) theo đề án cải tiến utyển sinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1-2002. Kỳ thi năm nay vẫn như năm 2007, nhưng có thêm một số điểm mới như: khối D môn ngoại ngữ gồm các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung sẽ bổ sung thêm tiếng Đức và tiếng Nhật; trắc nghiệm ngoại ngữ, hóa học, sinh học, vật lý; các trường CĐ có tổ chức thi sẽ thi theo ba chung cả môn trắc nghiệm và tự luận, riêng môn năng khiếu do trường ra đề (thi ngày 15 và 16-7-2008); kết quả thi CĐ theo đề thi chung sẽ dùng để xét tuyển vào các trường CĐ có điểm từ điểm sàn trở lên, cùng khối thi, trong vùng tuyển; đề thi có hai phần: phần chung và phần riêng dành cho thí sinh học chương trình THPT phân ban thí điểm và không phân ban, thí sinh chỉ làm một phần, nếu làm hai phần riêng thì không được chấm phần riêng, chỉ chấm phần chung.
Kỳ thi ĐH sẽ thi ngày 4 và 5-7 thi khối A, V; ngày 9 và 10-7 thi B, C, D và khối năng khiếu; ngày 15 và 16-7 các trường CĐ có tổ chức thi tổ chức thi.
PGS-TS Ngô Kim Khôi cho biết, năm nay Bộ GD-ĐT ra đề thi chung cho các trường CĐ nên thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn thì được trường CĐ tổ chức thi cấp cho hai giấy chứng nhận số 1 và 2 để xét tuyển vào các trường CĐ khác cùng khối thi, trong vùng tuyển.
Các thí sinh lắng nghe và ghi chép cẩn thận những câu trả lời của ban tư vấn. Ảnh Như Hùng
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết phương pháp thi trắc nghiệm: Thời gian làm bài THPT là 60 phút (40 câu), còn kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ là 90 phút (50 câu). Thí sinh trả lời trên phiếu trắc nghiệm. Thời gian làm bài rất là sít sao, cần cân nhắc thời gian để tận dụng hết tthời gian và kiến thức. Trong giấy trả lời trắc nghiệm, chú ý đến các mục số báo danh, số đề thi… Thi trắc nghiệm có các quy định sau: mỗi câu hỏi có bốn phương án trả lời A, B C, D, trong đó chỉ có một câu trả lời đúng, nếu thí sinh chọn hai đáp án trong đề trắc nghiệm là sai. Đề thi bám sát kiến thức trong sách giáo khoa lớp 12.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh phải điền các chi tiết vào phiếu chính xác. Điền thông tin bằng chữ viết như tên họ, ngày tháng năm sinh, mã đề thi… Thí sinh cần đọc kỹ các hướng dẫn khi tô các ô đen. Đề thi sẽ có nhiều phiên bản khác nhau, thí sinh ngồi cạnh nhau sẽ có mã đề thi khác nhau, do đó không thể hỏi bài lẫn nhau được.
Muốn sáng tạo robocon học ngành gì?
* Một bạn học sinh đặt câu hỏi: “Cho em hỏi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngành chế tạo máy học những gì? Muốn học để sáng tạo robocon thì học gì?”.
- TS Phạm Hữu Lộc trả lời: "Muốn tham gia Robocon thì học điện tử và cơ khí. Hai ngành này chuyên tự động và cơ khí. Đây là hai chuyên ngành mới phát triển sau này, sinh viên sau khi học có rất nhiều cơ hội để tìm việc làm. Hiện trường có hệ thống đào tạo liên thông, nếu thi ĐH không đạt, nguyện vọng 2, 3 xét vào CĐ và sau này liên thông vào ĐH".
* Bạn Dương Cao Kiều Quy hỏi: “Mục đích của Trường ĐH Kinh tế khi lấy chung điểm chuẩn là để đến khi học sau đại cương mới phân ngành? Thí sinh có thể không theo được nguyên vọng đăng ký ban đầu?”.
- ThS Trần Thế Hoàng trả lời: "Từ 2004, trường tuyển chung một điểm chuẩn. Trong giai đoạn đại cương, nhà trường đào tạo một chương trình như nhau nên tuyển chung một điểm chuẩn là chính xác. Đây cũng là biện pháp động viên SV vào học tại trường. Sau giai đoạn đại cương, trường sẽ căn cứ vào kết quả học tập của SV, nguyện vọng của SV, chỉ tiêu của các ngành. Thực tế hàng năm cho thấy có 2/3 sinh viên tiếp tục học lên với nguyện vọng ban đầu".
* “ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay có tuyển ngành mới không? Đó là những trường nào?”.
- TS Lê Thị Thanh Mai trả lời: "ĐH Quốc gia có ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, Khoa Kinh tế. ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ có hai ngành đào tạo CĐ là công nghệ thông tin ở ĐH Khoa học tự nhiên và bảo dưỡng công nghiệp ở ĐH Bách khoa. Năm nay có ngành đô thị học, tâm lý học của ĐH KHXH&NV và luật tài chính - chứng khoán của Khoa Kinh tế là những ngành mới. Đặc biệt, ĐH KHXH&NV năm nay tuyển thêm khối A, B. ĐH Quốc tế có tuyển sinh khối D1 cho ngành công nghệ sinh học".
* Một thí sinh tại Đồng Nai hỏi: “Theo đánh giá của thầy Ngô Kim Khôi thì năm tới, ngành học nào là ngành hấp dẫn nhất?”.
- PGS-TS Ngô Kim Khôi trả lời: "Bộ GD-ĐT đã biên tập xong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh 2008, trong đó đăng tất cả các trường ĐH, CĐ có tổ chức tuyển sinh năm nay, có địa chỉ, số điện thoại của trường, chỉ tiêu tuyển sinh, mã ngành, ngành đào tạo của từng trường…
Năm 2008 dự kiến những ngành thí sinh đăng ký thi cao như nhóm ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, thị trường chứng khoán; nhóm ngành công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ thuật phần mềm, tin học ứng dụng; nhóm ngành đóng tàu như gõ tàu, thiết kế điện tử, trang trí vỏ tàu; nhóm ngành khối quản trị kinh doanh như du lịch, khách sạn, nhà hàng; nhóm ngành điện - điện tử, kỹ thuật công nghệ. Bên cạnh đó, những thí sinh có sức học trung bình khá sẽ đăng ký vào khối ngành nông lâm ngư như dịch vụ thú y, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản"…
Học lực trung bình khá, thi ngành gì?
* Bạn Nguyễn Thị Kim Thoa hỏi: “Có học lực trung bình khá, nên đăng ký dự thi vào ngành nào?”.
- TS Nguyễn Đức Nghĩa trả lời: "Để thuận tiện cho thí sinh lựa chọn ngành nghề có quyển Những điều cần biết tuyển sinh ĐH-CĐ 2008 và Những điều cần biết về tuyển sinh Trung cấp chuyên nghiệp 2008. Các quyển này có mã ngành, mã trường giúp học sinh đăng ký dự thi chính xác. Xem thông tin trong các quyển này bạn sẽ biết định hướng đúng cho bản thân. Nên nhớ, để học tốt, chọn ngành đúng phụ thuộc rất nhiều vào sở thích, năng lực của chính bạn".
* Bạn Trần Thái Trọng hỏi: “Ngành kinh tế vận tải biển của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo những gì, sau khi ra trường có tìm việc cao không? Với học lực khá, thì có thể dự thi vào hệ ĐH không? Có cần sức khỏe không?”.
- TS Nguyễn Văn Thư trả lời: "Ngành này cung cấp các kiến thức khái quát về vận hành tàu biển, cảng biển, các kiến thức ngoại thương, thanh toán quốc tế. Khi tốt nghiệp ra trường có thế làm tại phòng khai thác vận tải biển, các ngân hàng trong vận tải biển. Thời gian học 4 năm. Điểm chuẩn hằng năm từ 16-17, cũng không cao lắm. Ngành này có hệ CĐ. Đây là ngành duy nhất có đào tạo tại ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.
Hầu hết sinh viên khi tốt nghiệp CĐ đều dễ dàng tìm việc làm. Theo thông tin của Ngô Kim Khôi khi nãy về ngành đóng tàu thì trong ba năm gần đây, việc đóng tàu rất nhiều nhưng vẫn không cung cấp đủ cho nhu cầu xã hội. Trong khi đó, hằng năm thí sinh đăng ký dự thi rất ít, do đó các bạn thí sinh nên đăng ký dự thi. Ngoài ra, trường còn tuyển ngành thiết bị năng lượng tàu thủy sắp mở, có thể không nằm trong quyển Những điều cần biết 2008 do không kịp cập nhật, nhưng dự kiến sẽ tuyển trong năm 2008. "
* “Ngành công nghệ hóa học của trường ĐH Nông lâm TPHCM giống hay khác ngành này ở các trường khác? Ngành này có tuyển nữ hay không? Ngành kế toán của trường như thế nào?”.
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng trả lời: "Ngành nghiên cứu những ứng dụng của hóa học phục vụ cho cuộc sống như nông dược, thực phẩm… về cơ bản tương tự ngành này ở các trường ĐH khác và không phân biệt giới tính. Ngành kế toán của trường có 20% kiến thức riêng (ngoài 80% kiến thức chung theo quy định của Bộ GD-ĐT) Khi bạn yêu mến kế toán mà không thể vào những trường kinh tế có điểm chuẩn cao thì có thể dự thi vào những trường có ngành kế toán vừa sức với mình!"
* “Học bác sĩ đa khoa, học bao nhiêu năm, tốt nghiệp có được chọn nơi làm việc hay bị chi phối?”.
- TS Huỳnh Văn Hóa trả lời: "Năm nay có 420 chỉ tiêu ngành bác sĩ đa khoa, tăng 70 chỉ tiêu so với năm 2007. Trong 420 chỉ tiêu có 120 chỉ tiêu ngoài ngân sách. Chương trình học 6 năm. Đây là một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất (27,5 điểm). Vì vậy, nếu học thật sự giỏi thì đăng ký vào ngành này. Khi ra trường thì sinh viên tự tìm việc làm"
* Bạn Lê Văn Trường và Phạm Ngọc Hoàng hỏi: “Ngành kỹ thuật môi trường và khoa học môi trường khác nhau thế nào? Có phải khi học ra trường thì nhận hai bằng không?”.
- TS Lâm Mai Long trả lời: "ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ có ngành công nghệ môi trường. Ngành này nghiên cứu các giải pháp để giải quyết vấn đề môi trường bằng phát điện, bằng biện pháp công nghệ như cách thức xử lý nước, chất thải rắn… Mục đích đào tạo của trường là giáo viên. Vì vậy, khi đượcđào tạo thành kỹ sư công nghệ, sinh viên được học sư phạm kỹ thuật để thành giáo viên công nghệ. Ngành bạn học ra trường sẽ cấp bằng kỹ sư, kèm theo đó là chứng chỉ sư phạm bậc hai. Sinh viên ra trường sẽ được giới thiệu về các địa phương và phụ thuộc vào khả năng của sinh viên khi tìm việc.