Sáng nay, tại Viện các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia tại Hà Nội, khá đông bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp vào cứu chữa. Ở ngoài sảnh đợi, người nhà bệnh nhân nằm ngồi la liệt trong tâm trạng mệt mỏi.
Anh Tú, một người quê ở Ninh Bình, ngồi thẫn thờ ở dãy ghế dành cho người nhà bệnh nhân tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Anh lên chăm chú ruột là bác Thành, 70 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu. Bác Thành được đưa vào Viện một tuần nay vì mắc phải bệnh tiêu chảy cấp chuyển sang suy thận.
Hôm 23/2, bác Thành từ Ninh Bình lên Hà Nội thăm hai người con trai lớn, hôm sau, bác về quê và mắc phải căn bệnh này. Theo những gì anh Tú kể lại, trên đường đi, chú anh chỉ dừng lại ăn ở một quán cơm ven đường. Buổi tối về nhà, ông Thành kêu đau bụng rồi "đi nhanh về chậm" cả đêm. Cả nhà hốt hoảng đưa ông lên Bệnh viện Ninh Bình điều trị và cắt được cơn đi ngoài.
Sau 3 ngày, bệnh thuyên giảm, nhưng bác lại mắc phải chứng suy thận, không đi tiểu được. Con cháu đưa bác lên bệnh viện trên Hà Nội để vừa chữa trị tiếp tiêu chảy, vừa chữa suy thận.
Hàng ngày, bên giường bệnh bác Thành luôn có 4 người thân túc trực ngày đêm. Buổi sáng, anh Tú và chị Huệ (con gái bác) chăm nom, buổi tối, hai con trai lớn bác Thành thay nhau trông bố. Một tuần nay, mọi việc vẫn đều đặn như thế. "Chỉ có mỗi việc trông cụ mà mệt mỏi lắm, buổi sáng, chúng tôi cứ phải vạ vật khắp nơi trong bệnh viện đợi đến trưa mới được vào chăm sóc", anh Tú tâm sự.
Một bệnh nhân được cấp cứu đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.
Từ hôm vào viện đến nay, anh Tú cho biết đã chi tới gần 20 triệu đồng. Đối với một người về hưu như bác Thành, đó là số tiền lớn nhưng cũng may, con cái bỏ ra hết chỉ mong sao ông chóng lành bệnh. Ở quê bác Thành, mọi người vẫn còn lơ là với dịch tiêu chảy. Bản thân anh Tú vẫn ăn rau sống, lòng lợn và thỉnh thoảng "giải đen" bằng món thịt chó, mắm tôm kèm lá mơ, những thực phẩm có nguy cơ mắc bệnh cao.
Tại nơi bác Thành điều trị và các khoa về tiêu chảy trên tầng 4 và 5 của Viện, số bệnh nhân đến khám và chữa bệnh ngày càng đông. Có người còn phải thuê cả giường bạt để nằm ngoài hành lang. Bệnh nhân mệt mỏi, người nhà thì nhìn hốc hác vì mất ngủ, bởi có những đêm phải đưa người thân của họ đi ngoài hàng chục lượt.
Một bệnh nhân, tên Hoa, điều trị trên tầng 4, khoa nhiễm khuẩn tổng hợp của Viện, nhà ở Kim Liên cho biết, sau khi ăn bún đậu mắm tôm, rau sống về liền có biểu hiện nôn, tiêu chảy liên tục. Cô được đưa vào Viện hôm 30/3, trong tình trạng mất nước nặng, mê man. Nhưng đến ngày hôm qua, Hoa đã phục hồi dần sức khỏe và đỡ tiêu chảy.
Không chỉ có những trường hợp như Hoa và bác Thành, nhiều bệnh nhân tới cấp cứu tại Viện là xuất phát từ ăn thịt chó, như bệnh nhân Khánh (ở đường Láng). Anh không tin một người khỏe mạnh như mình lại mắc phải căn bệnh này chỉ vì ăn thịt chó, sau đó ăn hoa quả.
Ở Bệnh viện Xanh Pôn, ở các phòng của khoa Nội 2, nơi điều trị tiêu chảy cấp, đầy ắp bệnh nhân. Người bệnh phải nằm ghép giường, thậm chí phải kê thêm cả giường xếp mới đủ chỗ. Bệnh nhân có đủ thành phần, từ nhân viên văn phòng, thợ xây đến các bà nội trợ.
Hàng ngày, anh Hùng, ở Đội Cấn (quận Ba Đình) cùng vợ ăn phở buổi sáng. Buổi trưa và chiều, anh đều ăn cơm do chính tay vợ nấu, vậy mà không hiểu sao, căn bệnh tiêu chảy cũng "sờ" đến anh. Vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu hôm 31/3, trong tình trạng người lử đử vì bị "tào tháo đuổi hàng chục lần" một đêm. Nhưng do có sức khỏe, hai ngày sau, anh Hùng đã "tạm biệt" được bệnh tiêu chảy.
Phòng bệnh nhân khoa Nội 2, nơi anh Hùng điều trị có khá nhiều người mắc bệnh tiêu chảy "vô cớ". Cũng như anh Hùng, các bệnh nhân được cho là hết bệnh nhưng vẫn phải nằm lại một tuần để xét nghiệm tiếp tục, nếu 3-4 lần cho kết quả âm tính, bệnh nhân mới được chính thức xuất viện.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, tuyên bố dịch tiêu chảy cấp đã lan ra 10 địa phương, hai tỉnh mới mỗi nơi có một ca nhiễm tả. Đến nay, số người nhiễm loại vi khuẩn nguy hiểm này đã lên tới 85, trong đó Hà Nội đứng đầu với 44 ca.
Tính hết ngày hôm qua, 2/4, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia tiếp nhận thêm gần 70 người. Bệnh nhân phải nằm ghép giường, thậm chí ở tầng 2 và tầng 4, người bệnh phải nằm cả ngoài hành lang. Có tới 5 trường hợp nặng bị suy thận, phải lọc máu, một số trường hợp khác bị mất mạch và huyết áp.
Viện trưởng Nguyễn Đức Hiền cho biết, trong số bệnh nhân tiêu chảy điều trị tại đây kể từ đầu tháng 5, đã có 61 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả, chủ yếu ở Hà Nội và Hà Tây.
Tại một số bệnh viện khác của Hà Nội như Thanh Nhàn, Đống Đa, Thanh Trì, số bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện cũng tăng trong những ngày qua.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi