Alexander Trofimov bị áp giải đến toà.
Tòa án Campuchia hôm nay đã kết án nhà đầu tư nổi tiếng người Nga 13 năm tù giam vì lạm dụng tình dục một bé gái 14 tuổi. Trofimov là người nước ngoài mới nhất bị bắt trong chiến dịch ngăn chặn du lịch tình dục trẻ em đang hoành hành ở nước này.
Luật sư của Alexander Trofimov, 41 tuổi, cho rằng quyết định của tòa án có thể ảnh hưởng đến uy tín của Campuchia đối với các nhà đầu tư. Bởi bản thân Alexander Trofimov năm 2006 đã ký một hợp đồng trị giá 300 triệu USD để phát triển một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở nước này.
“Khách hàng của tôi là một nhân vật có tiếng. Ông ấy không nên bị bỏ tù vì một cô bé đã chỉ tay vào ông ấy”, luật sư Ouch Sophal nói. “Quyết định của tòa án sẽ là một thông điệp xấu đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, luật sư này cho biết thêm khách hàng của ông sẽ cáng cáo.
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa ông Ke Sakhan cho biết tòa án có đủ bằng chứng để kết tội Trofimov. Bản thân Trofimov không nói lời nào với phóng viên khi bị kết án.
Trong phiên tòa, bé gái bị hại cho biết em đã bị một “ma cô” ở thủ đô Phnom Penh dụ đến tỉnh ven biển Sihanoukville, nơi công ti của Trofimov có kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng trên đảo Koh Pos hoặc đảo Snake.
Một người Campuchia khác cũng bị kết án 11 năm tù vào hôm nay vì tội “dẫn mối”.
Phán quyết trên của tòa được đưa ra một ngày sau khi một người Đức cũng bị kết án 15 năm tù vì tội lạm dụng tình dục một em bé 14 tuổi khác.
Walter Munz, 61 tuổi, ở Stuttgart, đã bị bắt tại một nhà nghỉ ở Phnom Penh vào năm ngoái và bị buộc tội ngủ chung giường với một bé gái đường phố, lạm dụng tình dục em 4 lần. Người đàn ông tóc trắng Munz đã phủ nhận cáo buộc và nói ông cho cô bé 60 USD mỗi tháng để trả tiền học phí và tiền ăn.
Do bị nghèo đói tàn phá, đất nước Campuchia trở thành “thiên đường” cho tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền trẻ em cho biết hiện nay Phnom Penh đã bắt đầu có những biện pháp mạnh tay đối với vấn đề này.
Năm ngoái có 17 vụ xét xử, tăng mạnh từ con số 3 trong năm 2006 và 6 trong năm 2004. Đó là kết quả của nhóm nhân quyền Action Pour Les Enfants (APLE), chuyên theo dõi các vụ việc như trên ở Campuchia từ năm 2003.