Cho trẻ ăn bằng cách túm tóc giật ngửa mặt lên rồi trút cơm vào. Ăn chậm bị dùng thước vả, dùng tay đánh vào miệng và chửi rủa.
Chúng tôi phối hợp cùng đồng nghiệp Đài phát thanh truyền hình tỉnh Đồng Nai điều tra tại địa chỉ 1/2 Võ Thị Sáu, TP Biên Hòa có một nhóm trẻ gia đình khoảng 10 cháu nhỏ đang bị người coi giữ ngược đãi thời gian dài. Điều đặc biệt là chuyện chửi bới, đánh đập thường xảy ra trong các bữa ăn trưa hàng ngày khi không có mặt bố mẹ các cháu.
|
Cảnh bà Huệ cho trẻ ăn trưa: Cầm thước nhựa đánh trẻ, dùng tay vả vào mặt bé gái. |
Cơm chan nước mắt
Ngày 11-1, chúng tôi đã tiếp cận căn nhà trên và chứng kiến cảnh người giữ trẻ vừa cho trẻ ăn trưa vừa đánh các cháu.
Người trông trẻ là một phụ nữ tên Huệ, ngoài 40 tuổi. Từ góc khuất của một nhà gần đấy, chúng tôi quan sát rõ được cảnh ăn trưa diễn ra phía sau căn nhà này. Mỗi lượt ăn có khoảng bốn, năm đứa trẻ lớn nhỏ ngồi trên ghế nhựa, xoay mặt vào bà Huệ. Bà ngồi giữa, một tay cầm tô cơm, tay kia cầm thìa và chiếc thước mica (loại thước kẻ học sinh) khoảng 30 cm màu trắng, lần lượt đút cho từng cháu.
Một tay bà Huệ đút cho cháu trai, một tay bà chỉ vào cháu gái nói: “Con kia nuốt đi, không thì tao cho mày vừa ăn cơm vừa ăn nước mắt bây giờ”. Cháu gái chưa kịp nuốt cơm, bà quay sang la tiếp: “Cái mỏ này...” và dùng tay tát lên mặt cháu mấy cái rồi vơ cây thước mica đánh liên tiếp vào miệng bé. Chưa hả dạ, bà Huệ đưa bàn tay tát lên má cháu: “Tao vả nữa nghe chưa. Con đĩ mẹ mày!”. Đứa trẻ khóc ré lên vì đau điếng.
Một ngày trước đó, trong lúc ăn cơm cháu gái này cũng đã bị bà Huệ dùng một tay túm tóc kéo giật ngược ra sau để bé phải ngẩng mặt lên, tay kia bà đút cơm cho bé. Đút xong vài muỗng cơm, cháu bé chưa kịp nuốt thì bà dùng tay tát liên tiếp thật mạnh 5 cái vào mặt. Được vài muỗng, bà tiếp tục cầm tô cơm hất ngược thật mạnh hai cái lên mặt để thành tô va lốp cốp vào cằm em.
Kèm theo đánh đập trong bữa ăn là liên tiếp những câu chửi bới, la ó trẻ kiểu như trên khiến cháu nào cũng sợ xanh mặt.
|
Những cái tát trời giáng khiến các em nhỏ sợ xanh mặt |
Cha mẹ không biết
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều cháu còn khá nhỏ, thậm chí chưa biết nói nhưng nếu không chịu ăn hay quấy cũng đều bị bà Huệ quát mắng. Tiếng chửi bới, tiếng khóc thét của trẻ khiến cả khu xóm quanh nhà bà Huệ biết đến. Vì phải trông quá nhiều trẻ cùng lúc nên có đứa nào khóc thì bà Huệ cũng không dỗ dành mà để cho khóc chán rồi tự ngưng. Chị S., người nhiều lần chứng kiến cảnh bà Huệ cho ăn, bảo: “Đánh con nít gì đâu mà đánh dữ quá. Ngày nào cũng nghe tiếng khóc ré, đánh bộp bộp trong bữa ăn. Biết vậy nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ vạ lây!”.
Tuy nhiên, việc “dùng vũ lực” với các cháu chỉ diễn ra trong bữa ăn trưa. Hơn nữa, bà Huệ nhằm đánh vào vùng thịt mềm trên mặt các cháu nên rất hiếm khi để lại vết tích trên cơ thể sau khi cha mẹ đón về. Cuối buổi chiều, chúng tôi theo chân một người cha đến đón trẻ về. Họ hoàn toàn không biết con mình bị đánh.
|
|
Ngày nào cũng nghe tiếng khóc rẻ, đánh bộp bộp trong bữa ăn |
|
Giữ trẻ không biển hiệu
Hoạt động được khoảng ba năm nay nhưng ngay tại nhà bà Huệ không hề có tấm biển hiệu nào ngoài cái bảng gỗ ghi ba chữ “nhận giữ trẻ” treo ngoài đầu hẻm cách nhà 20 m. Bất kể ai có nhu cầu, cứ tới liên hệ bà Huệ hoặc một bà cụ (mẹ của bà Huệ) ngồi bán nước đầu hẻm là được nhận giữ.
Giờ giữ trẻ là từ tinh mơ sáng đến 9, 10 giờ tối. Nhiều khi có gia đình kẹt công chuyện, bà Huệ sẵn sàng giữ qua đêm với điều kiện trả thêm tiền. Tiền công mỗi gia đình gửi trẻ ở đây mỗi tháng khoảng 600-700 ngàn đồng. Con nhà nào nhỏ chưa thể ăn cháo, cơm thì bố mẹ tự động mang sữa, bột đến nhờ bà Huệ cho ăn.
|
Nhiều gia đình công nhân phải đi làm tăng ca, không đón con về sớm được nên buộc phải gửi tại đây |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều gia đình công nhân phải đi làm tăng ca, không đón con về sớm được theo quy định của các trường mẫu giáo nên đành gửi tại đây.