Hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng thị trường ôtô năm 2008 sẽ đa dạng
sôi nổi nhưng không bùng nổ như năm 2007. Nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng ảm đạm, không mấy tươi sáng đối với các DN chỉ đơn thuần lắp ráp. Ngược lại, năm nay với người tiêu dùng sẽ không còn cảnh chờ đợi, cạy cục, năn nỉ hoặc lót tay để mua được xe nữa.
Cho đến thời điểm hiện nay, dù đã cuối tháng 2/2008 nhưng lượng xe mà các DN nợ khách hàng vẫn còn rất lớn, khoảng 7 - 8.000 xe. Tuy nhiên, khác với năm ngoái, việc trả nợ lần này của các DN sẽ dễ dàng hơn nhiều bởi họ không thể lấy mãi lý do kế hoạch, dự báo để khất lần.
Tăng công suất... trả nợ
Cụ thể, bắt đầu từ giữa, nhất là khoảng cuối năm ngoái, hầu như các nhà máy đều đã thực hiện việc nâng công suất, mở rộng đầu tư như Toyota VN đầu tư hơn 22 triệu USD nâng công suất từ 16.000 – 20.000 xe và trong giai đoạn 2008-2009 sẽ đầu tư thêm 30 triệu USD nữa để nâng công suất lên 30.000 xe/năm. Ford VN cũng tăng công suất lên tới hơn 800 xe/tháng. GM - Deawoo, Honda... vẫn đang tiếp tục nỗ lực tăng công suất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Việc các hãng đua nhau tăng công suất, mở rộng đầu tư, đưa ra hàng loạt sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt như “trả nợ” chẳng hạn trong khi lượng người mua không tăng sẽ dẫn đến tình trạng xe, sản phẩm “đến thì vẫn cứ phải ra lò”.
Việc tăng công suất của các DN này nằm trong tình trạng bắt buộc, vừa trả nợ cho khách hàng, vừa cố gắng cạnh tranh với xe nhập, nhất là khi làn sóng quay đầu mua xe nhập khẩu trong thời gian qua tăng khủng khiếp, hút mất một lượng khách hàng khổng lồ của xe lắp ráp trong nước. Nguyên nhân cũng do chính nhà sản xuất không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, bắt phải chờ đợi, thái độ bán hàng, dịch vụ quá kém. Trong khi mua xe nhập dù có đắt hơn nhưng lại được nhiều thứ khác. Có quan điểm cho rằng, chính các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm qua đang đánh mất lợi thế của chính mình mà việc lấy lại lòng tin nơi khách hàng không chỉ đơn thuần ở việc tăng công suất. Nói chung, trong khoảng hai quý đầu của năm nay, các DN lắp ráp trong nước sẽ chủ yếu trả nợ khách hàng. Lượng khách hàng mới đầu năm thường ít ỏi do nhiều yếu tố, có cả yếu tố tâm lý. Tiếp đến hai quý còn lại, lượng khách hàng rất khó dự báo nhưng chắc chắn không nhiều. Thị trường theo dự báo của các chuyên gia là không mấy sáng sủa. Tại sao?
Cung sẽ vượt cầu?
Có mấy nguyên nhân chính có thể dẫn đến tình trạng này, nhất là đối với các liên doanh chỉ đơn thuần lắp ráp, không kèm theo nhập khẩu.
Thứ nhất, những người chờ đợi để mua xe giá rẻ, phù hợp không chịu đựng được thì đã mua từ năm ngoái rồi.
Thứ hai, thị trường chứng khoán đã bình ổn trở lại, không còn dễ kiếm tiền như năm ngoái. (Đây là một lượng khách hàng lớn trong năm ngoái của các hãng xe. Họ cũng là những người mua xe mà ít quan tâm đến giá cả, miễn sao có xe do nguồn thu từ thị trường chứng khoán quá dễ, quá nhanh) vì vậy lượng mua xe từ những khách hàng này nói chung sẽ sụt giảm mạnh.
Thứ ba, thị trường bất động sản vừa nóng lên, đem lại một nguồn thu khổng lồ cho nhiều người, nhưng hiện tại đang bị siết chặt và nếu cứ diễn biến như thế này thì thị trường sẽ trở về giá trị thực của nó, nếu không muốn nói là đóng băng. Khi đó, một lượng khách hàng không nhỏ không còn tâm trí mà nghĩ đến tậu xe mới.
Thứ tư, một lượng lớn khách hàng khi mua xe đều dưới dạng mua trả góp, vay ngân hàng và trong bối cảnh như hiện nay rất có thể lại xảy ra tình trạng các ngân hàng hạn chế cho vay đối với ôtô lẫn tiêu dùng.
Thứ năm, cuộc cạnh tranh giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước ngày ngày càng mạnh, quyết liệt mà lợi thế về tâm lý lẫn thực tế đang nghiêng về xe nhập khẩu.
Thứ sáu, với những diễn biến hiện tại của thị trường, người tiêu dùng sẽ chú tâm vào những việc thiết thực hơn, sinh lời nhiều hơn, đầu tư chặt chẽ, đúng chỗ hơn và đương nhiên họ ít quan tâm hơn tới việc mua sắm ôtô dẫn đến lượng khách hàng mới sẽ tăng không đáng kể (chủ yếu là xe du lịch).
Đó là khách quan. Còn chủ quan, việc các hãng đua nhau tăng công suất, mở rộng đầu tư, đưa ra hàng loạt sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt như “trả nợ” chẳng hạn trong khi lượng người mua không tăng sẽ dẫn đến tình trạng xe, sản phẩm “đến thì vẫn cứ phải ra lò”. (Vì làm theo kế hoạch, đăng ký lượng nhập khẩu linh, phụ kiện, không trả về hãng mẹ được). Khi đó, như một chuyên gia lão làng nhận định rất dễ xảy ra tình trạng xe dồn ứ trong các bãi, kho như đã từng xảy ra cách đây 2 năm. Nếu vậy, thì thị trường sẽ rơi vào tình trạng ảm đạm chứ không còn mấy sáng sủa nữa. Dù là dự báo, nhưng điều này rất dễ xảy ra, nhất là tại thị trường ôtô Việt Nam - một thị trường gần như không theo một quy luật nào.
Người tiêu dùng hoan hỉ
Nếu có ảm đạm thì cũng chỉ xảy ra với những DN chỉ lắp ráp đơn thuần. Hiện tại đã có ít nhất 2 DN vừa lắp ráp vừa được nhập khẩu, phân phối xe nguyên chiếc là Mercedes – Benz VN và Toyota VN. Những DN này chắc chắn nắm trong tay nhiều lợi thế cả về thị trường trong nước lẫn nhập khẩu. Dù cuộc cạnh tranh giữa xe trong nước và xe ngoại nhập có gay gắt, quyết liệt đến đâu thì họ vẫn là người có lợi.
Tuy nhiên, nếu những vấn đề nêu trên diễn ra thì người được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là khách hàng. Những cuộc cạnh tranh, giành giật khách hàng bằng ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn sẽ diễn ra giữa các hãng, nhà lắp ráp và nhà nhập khẩu.