Còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc thi công cao ốc Pacific đã gây ra sự cố sập nhà. Ảnh: HTD
Sở Xây dựng vẫn có quyền buộc lấp hầm?
Trên các số trước, Báo Pháp Luật TP.HCM đã nêu nhiều ý kiến tranh cãi về việc Sở Xây dựng TP.HCM hay cơ quan điều tra phải ra lệnh lấp các tầng hầm xây lố của cao ốc Pacific (quận 1, TP.HCM), tại sao cơ quan điều tra (CQĐT) chưa khởi tố vụ án...
Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục đăng tải ý kiến của các chuyên gia và CQĐT về vấn đề này.
Luật sư Cổ Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM: Phải bảo vệ hiện trường vụ án
Tôi cho rằng sự việc có đủ dấu hiệu hình sự, công an phải khởi tố ngay vụ án. Chính vì vụ việc có rõ dấu hiệu hình sự nên Sở Xây dựng không dám cho lấp vì nó là hiện trường của vụ án hình sự. Nếu Sở lấp sẽ vô tình xóa mất hiện trường, tang vật. Sau khi khởi tố vụ án, nếu cho rằng hiện trường có nguy cơ làm sập tiếp các công trình xung quanh thì CQĐT phải di dời người dân trong các khu vực xung quanh, áp dụng các biện pháp bảo vệ hiện trường cho đến khi điều tra xong. Hao tổn, thiệt hại từ việc di dời sẽ do chủ đầu tư gánh.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn luật sư TP.HCM: Sở Xây dựng cũng liên can nếu để sập tiếp
Sở Xây dựng là nơi cấp phép, xử lý các công trình sai phạm trong thẩm quyền quản lý của mình. Công trình Pacific xây sai phép ba tầng hầm, trước mắt thẩm quyền ra quyết định xử phạt, buộc khắc phục hậu quả thuộc về Sở Xây dựng. Nếu anh để công trình xây dựng sai phép tồn tại mà xảy ra hậu quả tiếp theo (sụp, lún, có thể gây chết người...), Sở phải gánh trách nhiệm này cùng với chủ đầu tư.
Sở Xây dựng không thể lấy lý do nó là hiện trường, là tang vật của vụ án hình sự trong tương lai mà chần chừ trong việc ra quyết định cho lấp các tầng hầm xây lố. Thời gian bốn tháng qua quá đủ để thu thập hồ sơ. Sau khi lấp hầm, nếu xác định vụ việc là hình sự thì Sở phải chuyển hồ sơ cho công an. Không thể cho rằng lấp công trình sai phạm sẽ làm mất dấu tang vật của vụ án hình sự, sau này CQĐT không thể tìm ra nguyên nhân sụp lún tòa nhà bị sập được.
Một thẩm phán TAND tối cao: Sở Xây dựng cần “ra tay” ngay
Đến giai đoạn này, tôi ngạc nhiên là tại sao CQĐT vẫn chưa chịu khởi tố vụ án. Bởi khi CQĐT nhận được tin báo là công trình Pacific có sai phạm, có kiến nghị yêu cầu khởi tố của UBND TP.HCM thì CQĐT phải lập tức khởi tố vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Khi đã khởi tố vụ án, việc cần làm ngay là áp dụng những biện pháp ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc sắp tới có thể xảy ra.
Trong tình trạng pháp lý “lơ lửng” hiện nay, Sở Xây dựng cần lập tức ra quyết định xử lý hành chính áp dụng biện pháp ngăn chặn hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra tiếp. Không thể chần chừ xem việc vi phạm này cần xử lý hành chính hay hình sự mà coi thường tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân xung quanh công trình. Sở là cơ quan thẩm định được việc giữ nguyên hiện trường có xảy ra sự cố với những tòa nhà bên cạnh hay không. Nếu Sở cố tình kéo dài, để xảy ra thêm những hậu quả nặng nề nữa thì Sở không thể đứng ngoài việc chịu phần lớn trách nhiệm.
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật: Công an nên yêu cầu Sở Xây dựng buộc lấp hầm
Theo tôi được biết, CQĐT đã trưng cầu giám định hiện trường, nghĩa là đã tham gia vào quá trình tiến hành tố tụng. Ngay trong quá trình xác minh trước khi khởi tố vụ án, nếu thấy hậu quả tiếp tục có thể xảy ra, CQĐT có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan (cụ thể là Sở Xây dựng, chủ đầu tư...) tiến hành các biện pháp khắc phục, ngăn chặn (theo Điều 27 Bộ luật Tố tụng hình sự - BLTTHS).
Về nguyên tắc, khi tiếp nhận đơn tố giác của công dân, tin báo từ các phương tiện truyền thông, CQĐT sẽ xử lý các thông tin này trong thời gian từ 20 đến 60 ngày rồi mới ra quyết định khởi tố hay không (Điều 103 BLTTHS). Nếu CQĐT không khởi tố vụ án khi đã có dấu hiệu phạm tội thì người có thẩm quyền của CQĐT có thể bị xử lý về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.