Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-2, phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN (VAVA) Trần Xuân Thu cho biết hội và các nạn nhân VN sẽ đệ đơn kiện lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ.
Thời gian chính thức đưa đơn hiện vẫn chưa được xác định, nhưng các luật sư Hoa Kỳ đại diện cho VN và VAVA đã tính đến tình huống này và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, chứng cứ mới. Sẽ có thêm các nạn nhân mới tham gia đứng đơn, bên cạnh những nạn nhân đứng đơn kiện tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Cũng theo ông Thu, hôm nay 25-2, VAVA có tuyên bố đáp lại phán quyết hôm 22-2 của tòa phúc thẩm lưu động số 2 khu vực New York, Hoa Kỳ, về việc tòa án này đã bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam VN một cách phi lý. Tháng ba tới, đoàn luật sư Hoa Kỳ đại diện cho các nạn nhân sẽ tới VN, xác định thời gian đệ đơn lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ.
Đoàn nạn nhân da cam VN đến dự phiên điều trần tại tòa phúc thẩm liên bang khu vực 2 ở New York tháng 6-2007 - Ảnh: T.Tuấn
Một phán quyết bất công
(Viết tiếp ý kiến "Vụ Tòa phúc thẩm New York bác đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam VN: Một phán quyết thiếu công minh, phi lý”, Tuổi Trẻ ngày 24-2)
Bác đơn kháng cáo của nạn nhân chất độc da cam VN, Tòa án phúc thẩm New York đã giữ y phán quyết của thẩm phán Jack Weinstein năm 2005. Tòa phúc thẩm lặp lại phán quyết của Weinstein rằng: (a) việc sử dụng chất độc da cam trong thời chiến tranh ở VN không vi phạm luật quốc tế vì chủ đích là nhằm diệt cỏ và khai quang và (b) phía nguyên đơn không chứng minh được những vấn đề sức khỏe mà một số người Việt đang mắc phải là do chất độc da cam gây nên. Tôi cho rằng cả hai phán xét trên đều có vấn đề và bất công.
Dùng độc chất trong chiến tranh là phi pháp
Đến nay không ai tranh cãi một sự thật hiển nhiên: dioxin là một độc chất nguy hiểm nhất mà con người biết đến. Chất da cam hàm chứa dioxin. Năm 2003, một phân tích từ Chương trình nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer, một cơ quan thuộc Tổ chức Y tế thế giới) xác định dioxin là một độc chất gây ung thư, và còn đi xa hơn khi cho rằng không có cái gọi là "nồng độ an toàn" dioxin trong con người.
Vậy chiến dịch dùng độc chất trong chiến tranh có phải là phi pháp hay không? Qui ước Hague (còn gọi là Hague Convention) năm 1907 cấm dùng "độc chất và vũ khí tẩm độc chất" trong các cuộc xung đột quân sự.
Qui ước về vũ khí hóa học (The Chemical Weapons Convention) định nghĩa vũ khí hóa học không chỉ bao gồm những độc chất mà còn kể cả đạn dược và thiết bị sử dụng để phân tán độc chất nữa. Độc chất được định nghĩa bao gồm "... bất cứ hóa chất nào có tác hại đến sự sống của con người và gây ra tử vong, thương tật cho con người và thú vật".
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc viết năm 1969 định nghĩa các tác nhân chiến tranh hóa học là "... những hóa chất - dù là khí, chất lỏng hay chất đặc - có thể sử dụng vì ảnh hưởng độc hại của chúng trên con người, thú vật và thực vật".
Do đó dựa vào các nghị định và công pháp quốc tế, việc sử dụng bất cứ chất lỏng, vật liệu hay công cụ nào chứa độc chất dù chỉ để đầu độc cây cỏ, tiêu hủy mùa màng và hủy hoại môi sinh có thể xem là vi phạm công pháp quốc tế.
Không phân biệt nạn nhân là người Mỹ hay người Việt!
Năm 2005, thẩm phán Weinstein công nhận phía nguyên đơn là các nạn nhân chất độc da cam VN bị phơi nhiễm độc chất, mặt khác ông tin các nghiên cứu trong quá khứ đã chứng minh các độc chất này là nguyên nhân gây bệnh cho nguyên đơn (trang 18). Nhưng giờ đây, tòa án phúc thẩm lại cho rằng phía nguyên đơn không chứng minh được mối liên hệ giữa chất độc da cam và tác hại đến sức khỏe!
Có thể nói đây là một phán quyết phi khoa học nhất. Năm 1984, các cựu chiến binh Mỹ được bồi thường vì nghiên cứu khoa học cho thấy họ mắc nhiều bệnh nan y có liên quan đến chất độc da cam. Nếu người phun độc chất bị nhiễm thì chắc chắn nạn nhân bị phun độc chất còn bị phơi nhiễm nhiều hơn và nặng hơn. Thật vậy, nghiên cứu của chúng tôi công bố trên tập san dịch tễ học quốc tế cho thấy những cựu chiến binh VN và người Việt bị phơi nhiễm độc chất có tỉ lệ sinh con dị tật bẩm sinh cao gấp hai lần những người không phơi nhiễm độc chất.
Ảnh hưởng của độc chất không phân biệt nạn nhân là người Mỹ hay người Việt. Vậy hà cớ gì tòa án Mỹ đòi hỏi các nạn nhân chất độc da cam VN phải có những bằng chứng mà cựu chiến binh Mỹ đã cung cấp?!
Cần nhắc lại vụ kiện "Erin Brockovich" ở California, trong đó nguyên đơn chỉ cần trưng ra bằng chứng cho thấy tỉ lệ bệnh tật trong nhóm bị nhiễm độc chất cao hơn nhóm không bị nhiễm (và đó không thể là mối liên hệ nhân quả) vẫn được xem là bằng chứng thuyết phục.
Trong trường hợp này, có nghiên cứu cho thấy trong thời gian 1955-1964 (trước khi có chiến dịch phun độc chất), tỉ lệ dị tật thai nhi trong ba làng là 2,1%, và giữa những năm 1965-1974 (sau khi chiến dịch da cam) thì tỉ lệ này trong ba làng trên tăng đến 5% (Trích từ bài báo trong tập san Environmental Health Perspectives 2000; 108: số 10), và dùng lý luận của trường hợp Erin Brockovich, người ta cũng có thể xem đó là bằng chứng về tác hại của chất độc da cam. Do đó việc đòi hỏi bằng chứng của tòa án Mỹ xem ra là một đòi hỏi quá máy móc!
Tuy nhiên, cho rằng trường hợp của các cựu chiến binh Mỹ không áp dụng thì quả là kiểu nói "lưỡng chuẩn" (double standard) bởi vì trong thực tế, Chính phủ Mỹ chỉ bồi thường cho những cựu chiến binh nào mắc những bệnh mà có bằng chứng cho thấy chúng liên quan đến chất độc da cam.
Xin nêu một ví dụ cụ thể: đầu năm 2003, một thông cáo báo chí từ Viện Y khoa Mỹ (Institute of Medicine; trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Mỹ) cho biết sau khi duyệt xét sáu công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của dioxin (trong vòng hai năm qua), các nhà khoa học tuyên bố họ đã có đủ bằng chứng để kết luận dioxin là nguyên nhân gây ra chứng ung thư bạch cầu mãn tính (tức chronic lymphocytic leukemia hay CLL).
Trước đây người ta từng nghi ngờ CLL có liên hệ với dioxin, nhưng bằng chứng khoa học chưa được rõ ràng; nay mối liên hệ đó coi như đã được khẳng định. Điều quan trọng là các dữ kiện khoa học này không phải xuất phát từ nghiên cứu trên cựu quân nhân Mỹ, mà từ nghiên cứu trên công nhân làm việc trong các hãng xưởng hóa chất.
Nếu dựa vào cách thẩm định bằng chứng của Tòa án New York, người ta cũng có thể nói rằng chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa dioxin và CLL! Thế nhưng Chính phủ Mỹ nghĩ khác: với phát hiện mới này, Chính phủ Mỹ tuyên bố họ sẽ đồng ý bồi thường cho cựu quân nhân Mỹ, những người từng tham chiến ở VN nếu họ mắc chứng bệnh CLL. Nếu Chính phủ Mỹ chấp nhận những bằng chứng gián tiếp nhưng có cơ sở khoa học như thế, thì hà cớ gì Tòa án New York lại yêu cầu bằng chứng từ phía VN?!